07/08/2021

KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC HỒ TIÊU

Cây tiêu là một trong những cây công nghiệp có giá trị xuất khẩu lớn, được dùng làm gia vị, dùng trong y dược, trong công nghiệp hương liệu… và mang lại lợi ích cho người trồng. Từ năm 1990, Việt Nam đã tham gia vào thị trường xuất khẩu hồ tiêu thế giới, chủ yếu dưới dạng tiêu đen, tiêu trắng và được xuất khẩu sang hơn 80 nước.

Để tìm hiểu các biện pháp kỹ thuật giúp tiêu đạt hiệu quả năng suất cao, chúng ta cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết sau.

 

1. Đất trồng tiêu 
Tầng đất canh tác trên 80cm, có mực nước ngầm sâu trên 2m, tơi xốp, có khả năng giữ nước tốt, thành phần cơ giới từ nhẹ đến trung bình, dễ thoát nước vào mùa mưa.
Đất có pH 5,5-6,5, tối thiểu 4,5 nhưng cần bón vôi để nâng lên trên 5, giàu N, K và Mg.

2. Nhiệt độ
Hồ tiêu thích nghi tốt với khí hậu ôn hoà, không chịu được nhiệt độ thay đổi nhiều, nhiệt độ thấp nhất khoảng 10°C, thích hợp nhất trong khoảng 20-30
°C, nhiệt độ đất ở độ sâu 30cm trong khoảng 25-28°C.


3. Ẩm độ
Khí hậu nóng ẩm là điều kiện thích hợp cho sinh trưởng và phát triển của cây hồ tiêu, nhưng ẩm độ cao liên tục lại hạn chế sinh trưởng cây hồ tiêu và tạo điều kiện cho sâu bệnh phát sinh, phát triển. Cây hồ tiêu chịu được ẩm độ khoảng 63% trong mùa khô và 98% trong mùa mưa.


4. Ánh sáng
Hồ tiêu là cây ưa bóng trong giai đoạn cây con, ánh sáng tán xạ thích hợp cho yêu cầu sinh trưởng, phát dục và phân hoá mầm hoa. Giai đoạn hồ tiêu ra hoa, đậu quả, nuôi quả đến khi quả chín cây hồ tiêu cần nhiều ánh sáng. Việc có đủ ánh sáng trong giai đoạn nuôi quả giúp giảm rụng quả non và tăng dung trọng hạt tiêu.


5. Chuẩn bị nọc trồng tiêu.
Tiêu có thể leo lên nọc cây sống hoặc nọc chết như gỗ, nọc gạch, nọc bê tông.

  • Nếu sử dụng nọc chết, khoảng cách trồng có thể là 2x2 m, 2x2,5 m, 2,5x2,5 m. 

  • Nọc gạch có đường kính trên 0,8 m, có thể trồng với khoảng cách 2,5x3 m đến 3x3 m.

  • Nếu trồng toàn bộ nọc cây sống, khoảng cách trồng từ 2,5x3 m, bố trí theo hướng đông – tây và rong tỉa cành trong mùa mưa.

Có thể trồng xen 1 hàng nọc sống 1 hàng nọc chết để giảm bớt chi phí và điều hòa ánh sáng.

6. Trồng tiêu
Thời vụ trồng tốt nhất là vào đầu mùa mưa, cây tiêu kịp lớn để chống chịu được hạn vào đầu mùa khô.
Trước khi trồng từ 2 – 3 tuần, cần đào rãnh quanh nọc tiêu, cách mép nọc tiêu từ 10 – 15 cm, sâu 40 – 50 cm, rộng 40 – 50 cm rồi bón lót phân chuồng hoai + 0,5 kg vôi + 0,5 kg Super lân trộn đều với đất mặt.
Khi trồng, đặt bầu tiêu cách nọc từ 15 – 20 cm, nghiêng 1 góc 45 – 600 hướng ngọn tiêu về gốc nọc, nọc cây sống thì trồng xa hơn một chút. Nén chặt đất xung quanh bầu tiêu (hom tiêu) rồi che chắn cẩn thận, tránh gió lùa và ánh sáng chiếu trực tiếp vào làm cháy lá, cháy dây.


7. Xén tỉa tạo hình
Sau khi tiêu lên cao, cần dùng dây mềm (dây nhựa, nylon) buộc vào cây nọc. Tránh dùng các loại dây chuối, dây rừng,… vì các dây này dễ bị mục làm cho phần thân tiêu nơi buộc dây dễ bị mầm bệnh tấn công.
Tiêu leo lên cao 60 – 80 cm mà vẫn chưa phát sinh cành ngang thì tiến hành bấm ngọn hoặc đôn dây.
Sử dụng cành vượt các cấp làm bộ khung thân chính đều đặn quanh nọc.
Trong các năm 1 – 2 có thể có một số cành ác ra hoa cần xén bỏ để tập trung dinh dưỡng cho bộ khung chính sinh trưởng mạnh.


8.Tưới nước
Trong sản xuất hồ tiêu, một số kỹ thuật tưới nước thường được sử dụng như:


- Kỹ thuật tưới dí tại gốc: Với ưu điểm là trang thiết bị rẻ tiền, chi phí nhiên liệu thấp nên nông dân sử dụng phổ biến. Tuy nhiên, nhược điểm của kỹ thuật này là chi phí nhân công cao, thao tác nặng nhọc,lượng nước thường tổn thất lớn. 


- Kỹ thuật tưới nước nhỏ giọt được đánh giá cao về mặt tiết kiệm nước. Hệ thống tưới gồm có máy bơm, bể chứa phân bón, máy lọc nước, đường ống dẫn, vòi nhỏ nước và các van phân phối nước. Ưu điểm của kỹ thuật tuới nhỏ giọt là tiết kiệm nuớc do nuớc được cung cấp cho phần hoạt động chủ yếu của bộ rễ cây trồng nên tránh được tổn thất nước, nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, chất dinh dưỡng được cung cấp dễ dàng và đều đặn đến vùng hoạt động của bộ rễ thông qua nước tưới,chi phí vận hành thấp, hạn chế cỏ dại và sâu bệnh. Nhược điểm của kỹ thuật tưới nước nhỏ giọt là đòi hỏi chất lượng nước cao, đường ống và thiết bị hay hư hỏng, trang thiết bị đắt tiền, chi phí lắp đặt lớn nên không phù hợp với khả năng kinh tế của phần lớn nông dân trồng tiêu tại Tây Nguyên.


- Kỹ thuật tưới nước tiết kiệm: Trên cơ sở cải tiến kỹ thuật tưới nước nhỏ giọt, kỹ thuật tưới nước tiết kiệm có thể khai thác đầy đủ các ưu điểm của kỹ thuật tưới nước nhỏ giọt như tiết kiệm nước tưới, không gây xói mòn, rửa trôi, cung cấp dinh dưỡng nuôi cây trực tiếp vào vùng rễ đồng thời khắc phục được các hạn chế của kỹ thuật này như: vòi phun có đường kính lớn, tránh tắc nghẹt vòi nhỏ giọt, không đòi hỏi chất lượng nguồn nước quá cao; hệ thống trang thiết bị có giá thành thấp. Khi sử dụng hệ thống tưới phun dưới tán cho hồ tiêu thì lượng nước tối ưu cần cho cây phát triển tốt từ 35-40 lít/trụ/lần tưới, trong khi tưới bồn truyền thống thì lượng nước tối ưu cần từ 100-120 lít/trụ/lần tưới.

 

9. Bón Phân
Theo Trần Văn Hoà (2001), lượng phân bón tùy thuộc vào đất, giống và tuổi cây, trong đó phân hữu cơ đóng vai trò quan trọng và tỷ lệ NPK phù hợp cho cây hồ tiêu là (2:1:4). Lượng phân khoáng có thể chia 4 lần bón.  Lần 1 giúp cây phục hồi sau thu hoạch, lần 2 giúp thúc quá trình phân hóa mầm hoa (sau khi vào mùa mưa nửa tháng), lần 3 và 4 nhằm tăng đậu quả và nuôi quả.

Bảng 9.1  Khuyến cáo lượng phân bón cho cây hồ tiêu

Tuổi cây

Phân chuồng

(kg/trụ)

N

(g/trụ)

P2O5

(g/trụ)

K2O

(g/trụ)

Năm thứ 1

10-20

60

30

60

Năm thứ 2

15-20

120

50

120

Năm thứ 3

15-20

190

80

360

Việc kết hợp bón phân qua hệ thống tưới tiết kiệm giảm được lượng nước từ 15 - 20%; làm tăng hiệu quả sử dụng phân bón, tiết kiệm được lượng phân bón từ 30 - 40% góp phần bảo vệ môi trường, tăng hiệu quả sản xuất cho người trồng tiêu và hạn chế sự phát triển của sâu bệnh.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO


“Mô hình tưới nước tiết kiệm và bón phân qua hệ thống tưới cho cây hồ tiêu ở Tây Nguyên”. Dương Thị Oanh, Nguyễn Quang Ngọc, Nguyễn Ngọc Dũng, Trần Xuân Kỳ, Nguyễn Bá Huy, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Văn Long. Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây Hồ tiêu.


- Nguyễn Tăng Tôn và CTV (2016), "Kỹ thuật canh tác Hồ tiêu" (http://iasvn.org/chuyen-muc/Ky-thuat-canh-tac-Ho-Tieu-8198.html)
 

- Trần Văn Hòa, “Trồng tiêu thế nào cho hiệu quả ?”, NXB Trẻ, 2001.